MCQ KHÓ THỞ CẤP

MCQ KHÓ THỞ CẤP

02/02/2023

BỆNH ÁN NỘI KHOA KHÓ THỞ

 

I. HÀNH CHÍNH:

Bệnh nhân nữ 65 tuổi, ở nhà

II. LÝ DO NHẬP VIỆN: khó thở

III. BỆNH SỬ:

Cách nhập viện 2 tuần, bệnh nhân sau khi ngủ dậy buổi sáng cảm thấy khó thở, khó thở thì hít vào. Bệnh nhân làm việc nhà thì thấy khó thở nhiều hơn, bệnh nhân ngồi nghỉ thì khó thở giảm. Đồng thời, bệnh nhân thấy khó thở xuất hiện khi bệnh nhân đang ngủ. Bệnh nhân đang ngủ với đầu kê cao khoảng 1 gối thì ho khan và thấy khó thở khiến bệnh nhân hoảng hốt phải ngồi dậy, sau khi ngồi dậy thì bệnh nhân cảm thấy đỡ khó thở và ho nên nằm đầu kê cao hai gối thì không khó thở. Ngoài ra bệnh nhân tiểu ít hơn bình thường, không rõ lượng, nước tiểu màu vàng nhạt.

Cách nhập viện 3 ngày, bệnh nhân thấy khó thở nhiều hơn ngay cả khi bệnh nhân ngồi nghỉ không làm việc gì, kèm theo bệnh nhân ăn uống kém. Bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện.

Trong quá trình bệnh bệnh nhân không ghi nhận sốt, không đau ngực.

IV. TIỀN CĂN

1. Bản thân:

a. Nội khoa:

  • Tăng huyết áp 10 năm, điều trị liên tục, không rõ thuốc, không theo dõi tại nhà.
  • Đái tháo đường 5 năm, điều trị liên tục, hiện đang dùng Insulin tiêm không rõ loại, không theo dõi đường huyết thường xuyên tại nhà.
  • Nhồi máu cơ tim đã đặt stent 3 năm, điều trị liên tục tại Bệnh viện Chợ Rẫy, không rõ thuốc điều trị, sau can thiệp bệnh nhân không xuất hiện đau ngực. Bệnh nhân uống thuốc đều theo toa, ( bệnh nhân quên không mang theo toa thuốc).

b. Ngoại khoa: Chưa ghi nhận tiền căn chấn thương, phẫu thuật.

c. Thói quen – dị ứng: Không ăn mặn, không uống rượu bia, không hút thuốc lá . Chưa ghi nhận dị ứng

2. Gia đình: Không ghi nhận tiền căn liên quan

V. LƯỢC QUA CÁC CƠ QUAN:

  • Còn mệt và khó thở nhiều
  • Không đau ngực
  • Không hồi hộp đánh trống ngực

VI. KHÁM LÂM SÀNG:

1. Tổng trạng:

  • Sinh hiệu: Mạch: 110 lần/phút, đều, rõ, Huyết áp: 150/70 mmHg, Nhịp thở: 22 lần/phút, SpO2 92% với khí trởi, Nhiệt độ: 37oC
  • Cân nặng: 61 kg, Chiều cao: 165 cm => BMI 22.4 kg/m2
  • Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt
  • Nằm đầu cao 45 độ, thở co kéo nhẹ cơ gian sườn
  • Chi lạnh ẩm, mạch ngoại nhẹ
  • Niêm hồng,
  • Hạch ngoại vi không to
  • Không phù

2. Các vùng

a. Đầu mặt cổ:

  • Cân đối
  • Khí quản không lệch
  • Tuyến giáp không to
  • Tĩnh mạch cổ không nổi ở tư thế đầu cao 45 độ

b. Ngực:

  • Lồng ngực cân đối, di động đều theo nhịp thở, không ghi nhận bất thường trên thành ngực
  • Tim:
  • Sờ: mỏm tim ở khoang liên sườn VI đường nách trước, diện đập 1x2 cm2, nảy bình thường, dấu nảy trước ngực (-), dấu Hardzer (-), không có rung miêu.
  • Nghe: T1, T2 rõ, không đều, tần số 112 lần/phút, không thấy tiếng tim bất thường, không âm thổi
  • Phổi:
  • Sờ: rung thanh đều 2 bên
  • Nghe: ran ẩm 2 đáy phổi

c. Bụng:

  • Cân đối di động theo nhịp thở, không ghi nhận bất thường thành bụng
  • Nghe: không âm thổi vùng bụng
  • Gõ trong khắp bụng
  • Sờ bụng mềm, ấn bụng không ghi nhận điểm đau khu trú
  • Gan lách không to

d. Tứ chi

  • Không biến dạng, không giới hạn vận động

3. Khám chuyên khoa

Thần kinh: không yếu liệt, không mất cảm giác

VII. KẾT QUẢ CẬN LÂM SÀNG

a. X-quang ngực

b. ECG

c. Kết quả siêu âm tim

  • Dãn buồng tim trái
  • Giảm động nặng vách liên thất và mỏm EF (Simpson): 33%.
  • Vách liên thất và vách liên nhĩ nguyên vẹn, không phì đại.
  • Không huyết khối >3mm trong buồng tim
  • Không dịch màng ngoài tim
  • Hở van 2 lá nặng 3/4 do giãn vòng van

d. Kết quả cận lâm sàng khác

  • Đường huyết: 145mg/dl
  • Cholesterol 191 mg/dl
  • HDL- Cholesterol 26 mg/dl
  • LDL- Cholesterol 137 mg/dl
  • Triglycerides 173 mg/dl
  • AST  27U/L
  • ALT 43 U/L
  • BUN 20 mg/dl
  • Creatinine 0,84 mg/dl
  • eGFR 69,44 ml/min/1,73m2da
  • Troponin I  0,05 ng/mL
  • Ion đồ : Na 130 mEq/L, K 3,8 mEq/L

YÊU CẦU:

1. Dựa vào lâm sàng đưa ra đặt vấn đề

2. Đưa ra chẩn đoán sơ bộ và chẩn đoán phân biệt 

3. Đề nghị cận lâm sàng phù hợp

4. Đưa ra chẩn đoán xác định dựa vào kết quả cận lâm sàng

5.. Xác định mục tiêu điều trị và cho biết mục tiêu ưu tiên

ĐIỀU TRỊ

1. Giảm khó thở cho bệnh nhân, bạn sẽ sử dụng thuốc gì đầu tay?

A. Sử dụng Nicardipine truyền tĩnh mạch

B. Sử dụng Nitroglycerin truyền tĩnh mạch

C. Sử dụng Morphin chích tĩnh mạch

D. Sử dụng Furosemide chích tĩnh mạch

2. Sử dụng thuốc tăng co bóp cơ tim trong trường hợp này, nếu thuốc ban đều chưa cải thiện triệu chứng khó thở?

A. Chống chỉ định

B. Không có chỉ định

C. Dobutamin

D. Digoxin

3. Sử dụng thuốc kháng đông trong trường hợp này?

A. Không có chỉ định

B. Dùng Enoxaprin 1mg/kg/ mỗi 12 giờ

C. Dùng Acenocumarol và chỉnh liều cho đến khi INR đạt 2 – 3

D. Dùng NOAS sớm với liều tối đa

4. Chống kết tập tiều cầu trong trường hợp này như thế nào?

A. Không có chỉ định

B. Chỉ cần dùng 1 loại chống kết tập tiểu cầu

C. Phối hợp Aspirin với clopidogrel

D. Phối hợp Aspirin với Ticargelor

5. Điều chỉnh rối loạn lipid máu trong trường hợp này như thế nào?

A. Không có chỉ định

B. Dùng Statin (Atoravastatin hoặc Rosuvastatin )

C. Dùng Fenofibatre

D. Dùng ezetimide

6. Ức chế men chuyển/ ARB/ ARNI trong trường hợp này?

A. Chống chỉ định

B. Captoril 25mg 1/2  viên x 2 uống

C. Losartan 50mg 1 viên x 2 uống

D. Uperio 100mg 1/2 viên x 2 uống

7. Kiểm soát nhịp tim trong trường hợp này?

A. Chống chỉ định

B. Beta giao cảm liều thấp

C. Ibravadin liều thấp

D. Beta giao cảm kết hợp với Ibravadin

8. Lợi tiểu trong trường hợp này sau khi bệnh nhân giảm khó thở?

A. Chống chỉ định

B. Indapamide 1,5mg 1 viên uống

C. Hydrochloruathiazide 25 mg 1 viên uống

D. Spironolacton 25mg 1 viên uống

9. Nhóm SGLT2 trong trường hợp này?

A. Không có chỉ định

B. Chống chỉ định

C. Nên dùng Dapaglilozine

D. Nên dùng Empaglilozine

 

Bấm vào đây để mua gói xem hoặc gia hạn gói xem bạn nhé!

X

Zalo